Lấy ngẫu nhiên một chiếc thìa nhựa tái chế trong 1 lô thìa nhựa (thìa ăn sữa chua) được mua với giá 18.000đ tại Thanh trì - hà Nội. Rửa sạch để loại bụi bẩn. Cắt 1 mẩu trên lòng thìa, soi trên kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học phát hiện một thế giới kinh dị. Lấy 1 giọt nước cống nhỏ vào thìa thì tất cả các hốc, ngách kia ngập nước bẩn.
Rửa dưới vòi nước máy, mẩu thìa được mang trở lại để quan sát. Trên các mép, các rãnh, gờ hố, người ta thấy những sợi rác, những vật thể lạ từ giọt nước cống vẫn bám dính dai dẳng. Những biện pháp thông thường khó có thể loại bỏ được chúng, cho đến khi thìa được đem đun sôi trong một thời gian dài hoặc tái chế ở nhiệt độ cao, thậm chí, đốt cháy. Thậm chí đun sôi ở 100 độ C, nhiều loại vi trùng vẫn chưa chết.
Nguy hiểm hơn là ở 100 độ C, nhiều thành phần hóa học của đồ nhựa tái chế bị biến đổi. Chúng có thể dễ dàng tan vào thức ăn như canh, nước mắm, tương ớt, sữa chua, sữa dừa...
Một mặt cắt nhựa qua kính hiển vi
*Độc chất bồng bềnh
Kẻ thù đáng sợ hơn cả lại là chất độn, phụ gia đưa vào nhựa tái chế. Do mất nhiều đặc tính cơ, lý hóa ban đầu, để sử dụng lại, người ta bắt buộc phải đưa thêm vào một số phụ gia để tăng độ kết dính, độ xốp, tăng độ mềm dẻo, và tăng độ tươi của màu sắc để hấp dẫn người dùng...
Sự biến chất dễ quan sát nhất là màu. Từ màu sáng, trong, trắng, vật liệu tái chế chuyển sang màu vàng sau khi các cao phân tử (polymer) bị oxy hóa. Người ta thường pha thành màu tối bằng phụ gia. Sau khi nghiền nhựa thành dạng bột, công nhân mới pha trộn. Những phụ gia ấy - làm mềm dẻo, tạo màu, tạo sự ổn định - chứa các kim loại nặng như chì, cadmium, barium, thiếc, kẽm...
Bằng các phương pháp phân tích như sắc ký quang phổ, sắc khí lỏng, nhiệt, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng kim loại nặng trong đồ nhựa tái chế rất cao. Trong thìa sữa chua, hàm lượng chì (Pb) là 26mg/kg thìa và cadmium (Cd) là 1mg/kg thìa.
Quan sát qua kính hiển vi điện tử, còn thấy thìa có nhiều cục carbonat với hàm lượng trên 20%, làm tăng hàm lượng kim loại nặng. Những cục, hòn nom như khối đá trên lớp bùn nhão trên ảnh phóng đại chính là phụ gia và chất độn.
Đối với chất thải y tế, nếu được đưa vào tái chế còn có gây nguy cơ ngộ độc khác dù chúng đã được phân loại từ nguồn, không chứa vi trùng gây bệnh.Nguyên nhân của hiện tượng này là do, trong quá trình lưu giữ rác thải y tế để chờ xử lý, thường xảy ra hiện tượng lên men, vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Những vi sinh vật ăn rác thải y tế sẽ tạo ra hóa chất khác, gây độc cho những ai tiếp xúc hoặc hít thở phải nó. Cùng với các nguồn gây độc nêu trên, chúng biến các đồ nhựa tái chế dùng trong thực phẩm trở thành quả bom sinh học hẹn giờ, nhà khoa học lo ngại.